Light Novel dùng để chỉ một dòng tiểu thuyết khá thịnh hành ở Nhật Bản, có lối viết kể chuyện đơn giản và đối tượng độc giả phần lớn là học sinh trung học hay phổ thông, thường có kèm minh họa theo phong cách Anime-Manga.
Cách diễn đạt của Light Novel dùng nhiều khẩu ngữ hằng ngày nên rất dễ hiểu, thích hợp với các bạn tuổi teen. Nội dung cũng rất đa dạng, từ tình cảm lãng mạn, tâm lý học đường cho đến trinh thám, thần bí, rùng rợn, lịch sử cũng có.
Đặc trưng của Light Novel là yếu tố dễ đọc, tương ứng với từ “nhẹ” có trong tên của nó. Ngoài ra phải kể đến giá thành và kích cỡ cũng rất phù hợp để người đọc mang theo, không giống thể loại tiểu thuyết dày cộp thường thấy. Nói đâu xa, chỉ cần so sánh một bộ Light Novel từng xuất bản ở VN như GJ-bu với truyện Harry Potter chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt.
Tóm lại, các đặc điểm của một Light Novel thường là:
- Dạng truyện có cách diễn đạt với khẩu ngữ thông dụng.
- Có minh họa đi kèm, thường là sau 20 trang chữ.
- Nét vẽ chịu ảnh hưởng của Anime-Manga nên bìa sách rất giống với bìa manga.
- Cốt truyện hoặc cách viết ít nhiều chịu ảnh hưởng của A-M.
- Tác giả không trực tiếp “kể chuyện” cho người đọc trẻ, mà “dẫn dắt” câu truyện từ vị trí của một người trẻ.
- Light Novel đôi khi được chuyển thể thành A-M, nhưng ngược lại từ A-M chuyển thể thành tiểu thuyết chưa chắc đã là Light Novel.
Ngoài ra, nhiều người sẽ dễ nhầm lẫn giữa Light Novel với tiểu thuyết dành cho giới trẻ hay văn học mạng do tính chất của chúng khá giống nhau. Nhìn chung ta có thể phân biệt rõ đâu là Light Novel với một trong các tiêu chí sau:
- Được tác giả xác nhận là Light Novel.
- Do một đơn vị chuyên xuất bản Light Novel phát hành.
- Được quảng bá là thuộc thể loại Light Novel, thường kết hợp với tiêu chí thứ 1 để kết luận.
- Nằm trong số các tiểu thuyết được bảng xếp hạng “Kono Light Novel ga Sugoi!” bình chọn.
- Phần đông dư luận cho là Light Novel (như trường hợp của quyển Sherlock Holmes - được nhiều độc giả Nhật xem là LN)
Phần 2: Lịch sử hình thành Light Novel
A. Khởi nguồn của tên gọi Light Novel:
Có giả thuyết cho rằng thuật ngữ “Light Novel” bắt nguồn từ tranh luận của các độc giả ở diễn đàn SF.Fantasy của NIFTY SERVE(@NIFTY) vào năm 1990. Khi đó họ đã nghĩ ra một cụm từ tiếng Anh để chỉ loại truyện bỏ túi phổ biến thời đó, với hàm ý “dạng tiểu thuyết dễ đọc”.
Mãi đến năm 2000, khi mục Light Novel được lập trên 2chan, cách sử dụng thuật ngữ này mới trở nên thông dụng.
B. Light Novel thời kì đầu:
Có hai giả thuyết về sự ra đời của Light Novel. Một là từ tập san Sonorama Bunko của Asahi năm 1975, với các tay bút tiêu biểu nhưTakachiko Haruka và Kikuchi Hideyuki. Giả thuyết thứ hai là từ phong cách mới lạ của hai nhà văn nữ Arai Motoko và Himuro Saeko khi họ bước chân vào văn đàn năm 1977. Riêng Arai Motoko là người khai sáng cho dòng tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên, được xem là sự đột phá của thời đó. Chính vì văn phong của Motoko ảnh hưởng rất lớn đến các tác giả đời sau, nên bà được nhiều người tôn là thủy tổ của thể loại Light Novel.
C. Bước tiến của Light Novel:
Năm 2005, một nghiên cứu ở một nguyệt san hằng tháng cho thấy tổng số Light Novel được phát hành năm 2004 lên đến 2179 bộ, số bản in đạt 8 triệu 320 ngàn quyển, cộng với doanh số từ các tựa sách cũ là 4 tỉ yên. Mặc dù doanh thu khủng đến vậy, nhưng Light Novel vẫn bị khinh thị là “văn học thứ cấp”, chịu sự vùi dập của các nhà bình luận, thậm chí không được nêu tên trong danh mục tác phẩm bán chạy ở các hiệu sách.
Những năm sau đó, dần dà các đối tượng đọc Light Novel ngày càng trở nên đa dạng hơn, đánh dấu bước chuyển ngoạn mục của thể loại này, chỉ riêng năm 2007 tổng doanh thu của thị trường Light Novel đã ở mức 20 tỉ yên với 30 triệu ấn bản được phát hành mỗi năm.
Năm 2005 cũng đánh dấu sự ra đời của bảng xếp hạng “Kono Light Novel ga Sugoi!” (tạm dịch là “Quyển Light Novel này thật tuyệt!”) xuất bản bởi Takarajimasha. Đây là một ấn phẩm hằng năm giới thiệu mười bộ Light Novel xuất sắc nhất của năm ngoái do người đọc bình chọn, đồng thời cũng có phần xếp hạng cho các nhân vật được yêu thích. Cho đến nay bảng xếp hạng này đã trải qua 9 kì, với một vài tác phẩm nổi bật như Baka to Test to Shoukanjuu từng xuất hiện đến sáu lần, hay Suzumiya Haruhi no Yuutsu, Bungaku Shoujo và Toaru Majutsu no Index – cùng giữ vị trí thứ hai khi xuất hiện 5 lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét